Tây Ban Nha thống trị các giải thưởng FIFA năm 2012: Làm gì đây, Anh và Ý?
Sự áp đảo của Tây Ban Nha là một hồi chuông không thể rõ ràng hơn để cảnh tỉnh hai nền bóng đá có truyền thống khác là Anh và Ý.
Trong Gala tổng kết năm 2012 của FIFA, bóng đá Tây Ban Nha có dịp nở mày nở mặt khi các cầu thủ tốt nhất của quốc gia này, cùng với các đồng nghiệp đang chơi bóng tại La Liga đã độc chiếm toàn bộ 3 danh hiệu cá nhân và 11 vị trí trong Đội Hình Tiêu Biểu của năm.
Việc La Liga chiếm trọn 11 suất trong bản danh sách này thật ra chưa thực sự thuyết phục nhưng dẫu vậy, vẫn cần khẳng định, sự áp đảo của các cá nhân đang thi đấu tại TBN là một gáo nước lạnh cho hai nền bóng đá Anh, Ý. Với Premier League và Serie A, đây lần đầu tiên kể từ năm 2005 tới nay mà họ không có bất kỳ một cầu thủ nào được đưa vào danh sách Đội Hình Tiêu Biểu cũng như nhóm 3 giải thưởng cá nhân - những thứ đã thuộc về TBN.
1. Bóng đá Ý: Xấu hổ, tiếc nuối để làm lại từ đầu
Sự sa sút của bóng đá Ý là điều không thể tránh khỏi, khi họ đã lãng quên công tác đào tạo trẻ trong một thời gian quá dài, trụ cột của các CLB lớn hầu hết là những cầu thủ già nua, và liên tiếp để xảy ra những scandal mua bán độ kinh hoàng.
Sự rối loạn từ công tác quản lý vĩ mô cho tới những mũi tên đi xuống không ngừng trên các biểu đồ thống kê tài chính khiến cho bóng đá Ý nói chung và Serie A nói riêng trở nên bất ổn cực độ trong những năm vừa qua. Thế nên một CLB chỉ cần có kế hoạch chuyên môn và tài chính cụ thể là lập tức họ sẽ trở thành ‘vô đối’: Inter Milan 2006-2009, Juventus 2010-nay chính là những hình mẫu như vậy.
Sự xuất hiện của đội tuyển Ý tại trận chung kết Euro 2012 đã gây ra bất ngờ cho không ít người, nhưng rốt cuộc, họ chỉ làm được đến vậy. Trước một TBN đã đi vào huyền thoại, Gianluigi Buffon và các đồng đội thua tan nát 0-4, trở thành đội bóng để thua cách biệt nhất trong lịch sử các trận chung kết Euro. Cầu thủ chơi nổi bật nhất, người được mệnh danh là ‘Da Vinci của bóng đá’ – Andrea Pirlo đã hoàn toàn mất hút khỏi những cuộc bầu chọn, những danh hiệu sau này.
Có một chút tiếc nuối cho Pirlo, nhưng sự thất thế của anh cũng như Serie A và bóng đá Ý trong các cuộc bầu chọn có thể trở thành một liều thuốc tinh thần quan trọng để họ quay lại với những giá trị cơ bản.
Bước đầu tiên đang có những dấu hiệu lạc quan: Các tài năng trẻ đang được chú ý nhiều hơn, trở thành các tâm điểm chuyên môn từ cấp CLB cho tới ĐTQG. Hãy cùng chờ đợi một tập thể của Stephan El Shaarawy, Mattia Destro, Mattia De Sciglio, Alessandro Florenzi... tạo ra một làn gió trẻ trung cho bóng đá Ý ở thập kỷ này.
Không dừng lại ở đó, việc Juventus, Catania hay AS Roma thực hiện cải cách để trở nên độc lập về tài chính và hướng tới những nền tảng ổn định hơn đã mở đầu cho một phong trào tương tự ở các CLB khác. Đó sẽ là khởi đầu của những công cuộc xây dựng và phát triển bền vững cho tương lai.
2. Bóng đá Anh: Thất bại của những ảo tưởng chưa hẹn ngày kết thúc
Người hâm mộ giải Ngoại Hạng Anh thường vỗ ngực tự hào rằng họ có một giải đấu chất lượng chuyên môn cao nhất châu Âu, còn ĐTQG của họ vẫn luôn sở hữu những cái tên thuộc loại xuất sắc nhất thế giới. Bằng chứng gần nhất là việc Chelsea đăng quang ngôi vương UEFA Champions League 2011/12 ngay trước mũi các đại diện xuất sắc nhất của Tây Ban Nha (Barca, Real) và Đức (Bayern Munich).
Thế nhưng, đó chỉ là thành quả của giải Ngoại Hạng Anh - một sản phẩm thành công vang dội về mặt kinh tế của FA. Còn về mặt chuyên môn, Tam Sư đã bị ảnh hưởng nặng nề chính vì giải đấu này. Việc mở rộng vòng tay với các ông chủ nước ngoài cũng như các cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới tuy mang lại lợi ích mạnh mẽ về thương mại, nhưng chính sách này vô tình khiến cho các cầu thủ mang quốc tịch Anh “mất đất” thể hiện bản thân.
Joe Hart và Wayne Rooney là hai cái tên duy nhất giữ được đẳng cấp và sự ổn định trong suốt những năm tháng qua. Cùng lứa với họ, rất nhiều những cái tên đã được kỳ vọng, nhưng rồi vì những lý do khác nhau, họ đều không thể phát triển tương ứng với tiềm năng. Adam Johnson (ảnh) có lẽ là cái tên tiêu biểu cho những ‘thần đồng’ kiểu mới của Anh trong những năm gần đây: Thi đấu nổi bật ở một CLB nhỏ (Middlesbrough), chuyển tới một CLB lớn (Manchester City) nhưng bị đày đọa trên ghế dự bị, rồi phải rời đi mà không biết tới bao giờ mới được quay lại với những đấu trường đỉnh cao châu lục.
Thế hệ vàng của họ đã đi sang sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Thế hệ trẻ vẫn luôn tồn tại những tiềm năng nhìn thấy được, nhưng phát triển bằng cách nào thì vẫn là bài toán khó giải. Chelsea đang xây dựng một bộ khung TBN – Brazil làm trụ cột; Arsenal, Man City vẫn luôn là những đội bóng ‘hợp chủng quốc’.
Có lẽ người Anh giờ chỉ có thể đặt hi vọng vào hai đại gia truyền thống – Manchester United và Liverpool. Họ đang sở hữu rất nhiều những cái tên trẻ trung sáng giá như Phil Jones, Chris Smalling, Tom Cleverley, Raheem Sterling, Martin Kelly, Daniel Sturridge... Bản thân hai CLB này cũng nổi tiếng về việc xây dựng, phát triển sự nghiệp cho các tài năng trẻ và đặc biệt là có truyền thống cung cấp cầu thủ cho ĐTQG.
Tóm lại, bóng đá Anh vẫn đang trong trạng thái bất định. Đến bao giờ họ mới có thể thực sự vươn tầm đỉnh cao? Chưa ai có thể trả lời chắc chắn, nhưng người ta lại chắc chắn về chuyện danh hiệu “Vua Vòng Loại” mà bóng đá TBN từng ‘phải’ nhận đã được trao cho Anh...
Dũng Lê
Mã:
http://www.goal.com/vn/news/4896/ch%C3%A2u-%C3%A2u/2013/01/10/3659947/t%C3%A2y-ban-nha-th%E1%BB%91ng-tr%E1%BB%8B-c%C3%A1c-gi%E1%BA%A3i-th%C6%B0%E1%BB%9Fng-fifa-n%C4%83m-2012-l%C3%A0m-g%C3%AC?ICID=HP_TS_1