Camp Nou vắng và cuộc tìm kiếm thiên đường
“Gaudil del Barça”, là dòng tít lớn bằng tiếng Catalan trên trang nhất tờ tạp chí bóng đá quốc tế nổi tiếng ZONE của Nhật Bản số ra mới nhất. Dịch ra thì nghĩa là “Enjoy Barça”. Hình ảnh kèm dòng tít là Neymar và Barça hiện tại thì không có Neymar trên sân. Messi thôi cũng đủ rồi, có lẽ vậy, nhưng có thực sự là người hâm mộ Barça đang “enjoy”?
Barça đã giành chiến thắng 2-0 trước một đối thủ nằm trong nhóm những đội tranh vé thi đấu ở đấu trường Europa League. Real Sociedad không phải là một đối thủ tép riu, những cầu thủ của họ ít nhiều được các chuyên gia Barça chấm điểm cao, như Xavi Prieto (không ra sân), một số còn được chúng ta kết mô-đen, như Inigo Martinez (bị thẻ đỏ). Barça đã đặt một chân vào trận chung kết, 2-0 là một tỷ số đảm bảo cho trận lượt về, hay ít ra thì nhiều người cũng đã dự đoán được một chiến thắng với cách biệt tương tự từ trước. Dẫu vậy, con số khán giả đến sân cổ vũ, chỉ 38.505 người, không chỉ khiến những phòng vé Camp Nou chạnh lòng, mà còn khiến những ai quan tâm đến kế hoạch cơi nới Camp Nou (gọi là xây mới cũng được) lên đến 105.000 chỗ phải suy tư. Chất lượng đối thủ không tệ, thời tiết tốt, và đây lại là trận đấu hai lượt tại bán kết, phải cân nhắc lắm người hâm mộ mới bỏ qua cơ hội thưởng thức trận đấu ngay tại Camp Nou.
Vé xem Copa không phải loại vé mùa giải như Liga, do đó giá vé thường rất mắc, những bức ảnh vé xem trận đấu chia sẻ trên các mạng xã hội cho thấy mức giá là 80 euro. Trong thời buổi kinh tế xuống chó này, với những người có thu nhập không cao và Culé thì không phải ai cũng giàu, nên thắt chặt chi tiêu là điều dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là ở một số trận đấu vừa qua, chỉ cần chưa tới 10 euro là người hâm mộ đã có một chỗ tại Camp Nou, và kể từ sau trận đấu trước Granada cuối tháng 11 năm ngoái – tức là bao gồm cả trận trước Valencia mới đây, số lượng khán giả Camp Nou chưa bao giờ leo lên mức 7 vạn. Đổ thừa kinh tế không thôi là bất công với nó.
Trước thực trạng lượng khán giả đến Camp Nou ngày càng giảm, HLV Tata trong bộ dạng buồn ngủ nói trong cuộc họp báo sau trận mới rồi: “Nếu tôi là CĐV Barça, và sáng mai tôi còn phải đi làm, khi mà TV cũng chiếu trực tiếp trận đấu, hà cớ gì tôi phải đến sân vào lúc 10h đêm?! Đôi khi tôi sợ cầu thủ của mình ngủ quên trong giờ nghỉ hai hiệp.” Phát biểu châm biếm của Tata đương nhiêm là nhằm vào lịch thi đấu quá muộn mà ban tổ chức sắp xếp. Các thống kê từ đầu mùa cũng đồng ý với lập luận của ông. Đổ lỗi thêm vào lịch thi đấu và sự tiện nghi của truyền hình, anh kinh tế sẽ phần nào bớt cô đơn.
Bóng đá cũng là một loại hàng hoá – dịch vụ cho dù thuở ban đầu nó ra đời chỉ với mục đích giải trí. Bóng đá ngày nay là câu chuyện của cung cầu, của tiếp thị, của thương hiệu, v.v… và của chất lượng sản phẩm. Tới đây, hãy cùng nghe Alves phát biểu sau trận: “Người hâm mộ đang dần bi quan, chỉ cần chúng tôi có kết quả kém là họ lại lạnh nhạt. Barça là của chung chứ không riêng gì cầu thủ chúng tôi. Những ai không đến Camp Nou cổ vũ hẳn không phải là Culé thực thụ. Và nếu mất niềm tin vào đội bóng, xin đừng đến Camp Nou.” Trước đó, sau trận thua Valencia, cũng chính Alves chỉ trích sự cổ vũ của người hâm mộ Camp Nou, “những tiếng la ó đôi khi chẳng giúp ích được gì, tôi đôi khi cảm tưởng mình đang thi đấu trên sân khách”. Từ chất lượng cổ vũ, và giờ đến số lượng cổ vũ, thế WTF rốt cục anh muốn gì đây Dani?
Nếu không bị sự phàn nàn của Alves dẫn dắt đi hết con đường lập luận của anh ta, chúng ta có thể nhận ra cùng một vấn đề ở ít nhất hai trận đấu mới đây, từ đó phần nào thêm thắt vào thứ hỗn hợp bao gồm kinh tế, hạng cân địch thủ, TV và lịch thi đấu để có được một thứ uống cocktail có tên “Vì sao Camp Nou vắng”. Đó là chất lượng màn trình diễn, chất lượng Barça.
Tata nói sau trận thua Valencia là giờ đây Barça sẽ trải qua một Liga hoàn toàn khác. Có lẽ Liga đã khác, nhưng chưa chắc Barça không đổi. Cũng chính miệng Tata thốt lên rằng “cứ sau mỗi thất bại, đội bóng này lại vùng lên chứng minh sức mạnh”. Thắng 2-0 cũng có thể xem là sự vùng lên kể từ sau trận thua 2-3, nhưng chứng minh được sức mạnh thì với những gì phô diễn trước Sociedad là thứ nguỵ tạo. Barça đã có một bước tiến vào trận chung kết Copa, nhưng lại là một sự thụt lùi trước chuyến hành quân đến Sanchez Pizjuan. Gần 4 vạn người hâm mộ đến Camp Nou vừa qua có lẽ không phải để tìm kiếm một tỷ số làm họ hài lòng, vì họ đã dự đoán được từ trước. Họ chắc cũng tin lời Xavi khi anh nói trận thua Valencia trước đó ngay tại sân nhà cũng chỉ là một tai nạn. Sau tai nạn, họ đến Camp Nou để tìm kiếm niềm vui và thưởng thức. Nhưng họ rời sân về nhà để đi ngủ lúc 1h sáng mà không có được điều mình hằng mong muốn.
Ngày từ đầu, Griezmann đã uy hiếp khung thành Pinto bằng một cú sút. Nếu không có cái chân của Pinto và pha kẹp tay kín của Mascherano, có lẽ Carlos Vela đã gieo nỗi thất vọng cho người hâm mộ tại Camp Nou. Họ đến Camp Nou và chợt nhận ra rằng Alexis chưa bao giờ bỏ được thói quen biến mọi thứ trở nên phức tạp, những đường tạt bóng của Alves không thể nào tìm đến những cầu thủ có chiều cao như Sác Lô. Pinto trở nên quan trọng nhất, người được mời phỏng vấn trong chương trình El Marcador của Barça TV là Pinto chứ không phải Messi khi chính cầu thủ già nhất đội này mới là người cứu trận đấu cho Barça và các khán đài chỉ hô tên anh. Một Barça không đủ sức và không đủ nhanh để kết liễu đối thủ chỉ có 10 người trên sân. Trước các đối thủ luôn xếp lớp trước khung thành và đứng phía sau quả bóng, Barça giờ đây đang phát nản và không còn thiết tha xuyên thủng.
Bóng đá là một sản phẩm hàng hoá – dịch vụ đặc biệt. Khác với những món khác, trong bóng đá, sự trung thành với một đội bóng không đồng nghĩa với việc khách hàng phải chi tiêu thường xuyên cho các sản phẩm mà đội bóng đó mang lại. Nghĩa là nó không giống như việc nếu bạn là Fan của Coca-Cola thì rất khó để bạn chấp nhận Pepsi, trừ khi bạn xem tất cả đơn thuần chỉ là thứ nước giải khát hay cái nào cũng là sản phẩm thay thế. Bóng đá với sự lan toả mạnh mẽ nhờ truyền thông, bạn vẫn có thể yêu, vẫn có thể duy trì sự quan tâm đối với CLB của bạn mà không cần phải thông qua biểu hiện là chi tiêu cho hoạt động mua vé vào sân xem trận đấu hay mua sắm áo đấu, đồ lưu niệm,… Bạn xem một trận đấu tại Premier League không có nghĩa rằng bạn đang cho thế giới thấy rằng mình là Fan của Man Đỏ hay Man Xanh. Có thể nói, mức độ truyền bá và sự tác động của bóng đá đến cảm nhận người tiêu dùng là cực kỳ nhạy bén. Tuy khó đánh mất khách hàng truyền thống cũng như trung thành, nhưng khả năng lôi kéo liên tục nhóm người này của bóng đá đến với các nguồn tạo ra lợi nhuận nuôi nó lại phụ thuộc vào món cocktail “kinh tế, hạng cân địch thủ, TV, lịch thi đấu và chất lượng sản phẩm”.
Tuỳ vào từng lợi thế cạnh tranh mà một doanh nghiệp lựa chọn cho mình chiến lược cụ thể. Với Barça, lợi thế cạnh tranh của CLB cũng như cái mà CLB luôn muốn truyền bá đi khắp thế giới chính là chất lượng bóng đá mang lại cho người hâm mộ. Từ chất lượng – lối chơi, đặc sắc phong cách, Barça thu hút sự quan tâm từ người hâm mộ mới và khuyến khích việc móc hầu bao của những khách hàng trung thành. Thưởng thức chất lượng sản phẩm, để tìm thấy sự thoả mãn và tận hưởng niềm vui trong bóng đá mang giá trị sĩ diện hay lòng tự hào hơn rất nhiều so với chuyện đánh đổi tiền bạc ở những sản phẩm – dịch vụ khác. Tuy giữa bóng đá và người hâm mộ là con đường hai chiều nhưng vì đặc thù của ngành mà một đội bóng cần người hâm mộ hơn người hâm mộ cần nó. Dani Alves trước khi than phiền hay chỉ trích điều gì đó ở các CĐV, anh nên xem lại về chất lượng sản phẩm – dịch vụ anh và các đồng đội đang mang đến cho họ. Đồng ý thôi, như anh đã nói “Barça là của chung”, nhưng chỉ là của chung ở góc độ tình cảm.
Số lượng người quan tâm đến Barça ngày càng tăng, những cái Like trên Facebook về đội bóng ngày càng nhiều. Nhưng đâu là những cái Like thực chất, những sự quan tâm nào có thể chuyển hoá thành giá trị sinh lời cho đội bóng thì lại là một vấn đề. Barça hẳn biết rằng mình đang là một dạng như “Starbucks” chứ không phải như “Trung Nguyên”. CLB xây nên từ chất lượng và đang có trong tay “Tấm ngân phiếu 1 triệu Bảng” (truyện ngắn cùng tên của Mark Twain), thương hiệu của CLB đã định vị rõ ràng trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá thế giới chứ không phải đang nỗ lực tìm chỗ đứng. Barça đang làm marketing rất tốt, đó là điều không thể chối cãi, nhưng nền tảng để Barça làm được chuyện đó chính là chất lượng của mình. Barça không thể đánh lừa khách hàng chỉ bằng một đoạn phim quảng cáo, và họ không mất tiền cũng có thể kiểm chứng được chất lượng. Nói ngắn gọn, với riêng Barça, tên tuổi chỉ có thể được đánh bóng bằng chất lượng.
Hoặc đã đến lúc chúng ta cùng nhau thừa nhận rằng Barça này đang ất ơ. Dĩ nhiên chất Barça vẫn đang cháy, nhưng người thổi lửa đảm bảo duy nhất của nó thời điểm này chỉ có Messi. Chúng ta đang sống trong thời đại Messi, sống nhờ vào nguồn oxy của anh. Đội bóng này nhận ra được tình thế ấy, và nó đã tìm kiếm Neymar. Trong một ngày trời xấu, ống dẫn oxy bị nghẽn, Barça cần Neymar như một cú sốc điện. Và sốc dậy nổi hay không thì phải còn chờ vào sự trở lại của cậu ta, chờ vào cái tầm của người mà kẻ buôn vua Rosell đã phải mất đầu để đưa về Camp Nou. Không nên quá lạc quan là lời khuyên cho chúng ta giờ đây và có một điều Tata đã nói đúng: “Barça không ở thiên đường, cũng không ở địa ngục, chúng ta đang đi tìm thiên đường mà thôi!”